Cây trầu bà: ý nghĩa, đặc điểm và cách chăm sóc

Cây Trầu Bà tên tiếng Anh là Pothos, tên khoa học Epipremnum aureum, thuộc họ Ráy (Araceae), là một loài thực vật có hoa. Các tên khác như Trầu Bà Vàng, Vạn Niên Thanh leo, sắn dây Hoàng Kim, Hoàng Tam Điệp hay Thạch Cam Tử thì đều là chỉ cây trầu bà. Cây cảnh này sở dĩ có tên gọi trầu bà bởi vì nó có hình dáng giống cây trầu.

Cây trầu bà ngày nay đã trở thành cây cảnh và xuất hiện ở nhiều nơi, thường được trồng trong nhà nơi có ánh sáng vừa phải để làm đẹp, tươi mát hơn không gian căn hộ, nội thất sân vườn. Ngoài giá trị trang trí làm đẹp ra, cây trầu bà còn có lợi ích tốt sức khỏe con người cũng như ý nghĩa phong thủy mang lại tài lộc.

1. Ý nghĩa cây trầu bà

Tuy hiện nay có rất nhiều loại trầu bà, nhưng hầu hết các loại trầu bà đều có khả năng hút chất độc, khí độc và khí thải phát ra từ xăng xe, khói thuốc, bức xạ… mang lại không khí trong lành, mát mẻ. Chính vì thế trầu bà luôn nằm trong top các loại cây được nhiều người ưa thích.

Trong phong thủy, cây trầu bà có rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp, tuy nhiên từng vị trí và đối với từng ngành nghề công việc thì nó lại có các ý nghĩa riêng biệt.

  • Đối với người quản lý doanh nghiệp (giám đốc, trưởng phòng): chúng thể hiện sự uy quyền, sang trọng của địa thể của mình. Thể hiện ý chí vươn lên mãnh liệt để khẳng định bản thân, để phát triển và điều hoành doanh nghiệp thật tốt.
  • Đối với gia đình: Trầu Bà thể hiện sự mang đến tài lộc, may mắn, thịnh vượng cho gia chủ. Đem lại tiền tài, bình yên và giúp gia chủ tránh được các thị phi trong cuộc sống.
trầu bà nước

2. Đặc điểm chung của cây trầu bà

Trầu bà là loài cây dây leo thân mềm. Cây có thân và lá màu xanh, lá cây có hình trái tim hoặc gần giống, khá dày và nhiều nước.

Kích thước cây khá nhỏ nhưng không cố định bởi còn phụ thuộc vào giàn leo và quá trình cắt tỉa.

Rễ cây không chỉ lan dưới đất mà có thể tủa ra ở các mắt trên thân cây. Hoa trầu bà có dạng cụm ngắn, kích thước và hình dáng khá giống lá nên thường bị nhầm lẫn.

Cây sống tốt trong khí hậu nhiệt đới, ưa nước và bóng râm, không chịu được nắng gắt. Bạn cũng có thể trồng theo kiểu thủy sinh mà cây vẫn sinh trưởng tốt.

3. Phân loại cây trầu bà

3.1. Trầu bà xanh

Trong số các giống cây trầu bà thì chỉ trầu bà xanh là loại có hình dáng lá cây thuôn dài như mũi tên. Lá chỉ độc một màu xanh lục, lá non rất bóng mượt, lá quá già hoặc bám nhiều bụi bẩn thì nhám thô hơn. Thân cây tiệp màu lá, cũng là màu xanh lục.

Cây có khả năng chịu hạn khá tốt và sinh trưởng khá mạnh.

cây trầu bà xanh

3.2. Trầu bà vàng

Trầu bà vàng là loại truyền thống và phổ biến nhất. Cây nổi bật với những chiếc lá hình trái tim bầu màu xanh xen lẫn vàng rất tươi. Thân cây mang màu xanh của lá.

Nếu cây này được cung cấp nhiều ánh sáng, nhiệt độ ấm áp và đủ nước cũng như dinh dưỡng, lá cây có thể phát triển khá lớn (có khi đạt chiều rộng 30cm).

cây trầu bà vàng

3.3. Trầu bà cẩm thạch

Trầu bà cẩm thạch cũng có lá hình trái tim nhưng hơi dài chứ không bầu như trầu bà vàng. Lá trầu bà cẩm thạch là sự hòa quyện giữa màu xanh lá cây và những vệt trắng kem. Màu trắng kem chiếm phần lớn chiếc lá và dường như sắc xanh chỉ là điểm xuyến, ngay cả ở thân cây cũng trắng kem như vậy.

Loại cây này phát triển khá tốt giống trầu bà vàng nếu được chăm sóc đúng cách. Đây là giống cây có sức sống mạnh mẽ.

3.4. Trầu bà cẩm thạch vàng

Trầu bà cẩm thạch vàng có hình thái lá khá giống với trầu bà cẩm thạch. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ bạn sẽ phân biệt được hai loại này, bởi trầu bà cẩm thạch vàng có màu xanh chiếm ưu thế hơn một chút. Và lá của trầu bà cẩm thạch vàng cũng không trắng kem mà là trắng vàng. Thân cây thì lại mang màu xanh của lá.

Nhưng đồng thời, bạn cũng không được nhầm lẫn trầu bà cẩm thạch vàng với trầu bà vàng bởi nó phát triển khá chậm so với trầu bà vàng và sắc lá không tươi tắn nhiều màu vàng bằng.

3.5. Trầu bà Thái

trầu bà Thái không bầu mà thuôn dài, mặc dù thỉnh thoảng vẫn giữ được hình dáng trái tim nhưng rất ít. Màu lá cây thuộc dạng nổi bật nhất trong các loại cây trầu bà, đó là màu neon hay còn gọi là màu dạ quang. Lá non có xu hướng sáng màu hơn lá già. Thân cây cũng tiệp màu lá, và không bị bất kỳ sắc xanh nào xâm lấn được.

cây trầu bà Thái

Cây đặc biệt bởi quanh năm suốt tháng vẫn giữ được màu lá và sinh trưởng mạnh dù có được trồng trong bóng râm. Nếu bạn trồng trầu bà Thái trong nước hoặc bán thủy sinh, bạn thậm chí không cần chăm sóc, chỉ cần cho thêm nước khi cạn thôi.

3.6. Trầu bà sữa

Trầu bà sữa có cạnh lá lượn sóng chứ không phẳng như những loại trầu bà khác, nên có thể phá vỡ hình trái tim của lá. Lá cây đa dạng với các sắc thái của bạc, trắng, kem, xanh nhạt, xanh đậm. Mỗi lá là khác nhau, không có quy chuẩn nào về màu sắc của các lá: nhiều lá có những mảng xanh lớn, lá khác lại chỉ phủ màu trắng như sữa. Thân cây cũng màu trắng hoặc bạc.

3.7. Trầu bà bạc

Trầu bà bạc có lá cây hơi dày và có vẻ cứng cáp hơn các cây cùng loài. Lá cây hình trái tim nhỏ, viền trắng bạc, bề mặt trên của lá màu xanh sẫm lấm tấm đốm bạc nhỏ.

Chúng ta dễ dàng nhận ra cây trầu bà bạc bởi bề mặt dưới của lá có màu xanh nhạt và không hề lốn đốm bạc như phía trên. Trong khi đó, các loại trầu bà khác thì cả hai mặt của lá đều có màu sắc giống nhau. Thân cây thuộc dạng tròn nhất, màu xanh sẫm và không phát triển bò leo nhiều.

Ngoài ra còn có các loại khác như trầu bà lá xẻ Nam Mỹ, trầu bà thanh xuân, trầu bà đế vương nhưng các loại này có hình dáng khác biệt và cách chăm sóc hơi khác. Mình sẽ đề cập trong các bài viết tới.

4. Cách chăm sóc và nhân giống cây trầu bà

4.1. Cách chăm sóc cây trầu bà

Dù có sức sống tốt và không cần chăm sóc quá nhiều, bạn cũng nên lưu ý một vài điểm để cây sinh trưởng được như ý muốn.

Tưới nước: là cây ưa bóng râm, thích nước, bạn nên duy trì độ ẩm thường xuyên cho đất. Tốt nhất là ngày tưới 1 lần, tuy nhiên khi tưới chỉ cần ẩm đất, tránh để cây ngập úng.

Ánh sáng: như đã nói, Trầu bà là loại cây ưa mát, nhưng để lá cây có màu đẹp mắt, bạn nên để cây ở nơi thoáng đáng, có ánh sáng, tuy nhiên cần tránh những nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Dinh dưỡng: Trầu bà có thể sống tốt mà không cần quá nhiều dinh dưỡng, bạn có thể bón thêm phân cho cây mỗi 6 tháng. Nếu trồng thủy sinh, bạn chỉ cần thay nước đều đặn 2 tuần 1 lần là được, thậm chí không cần thêm dung dịch dinh dưỡng.

Nhiệt độ: cây sinh trưởng tốt nhất ở mức nhiệt độ từ 20 – 28 độ C, tuy nhiên nếu nhiệt độ thấp hơn chút nữa vấn không vấn đề gì.

4.2. Cách nhân giống cây trầu bà

Chuẩn bị

  • Để cách nhân giống cây trầu bà được hiệu quả thì bước đầu tiên là chọn một cây trầu bà mẹ khỏe mạnh.
  • Nếu trồng đất thì đất trồng là yếu tố rất quan trọng, do trầu bà ưa ẩm, nên đất phải là tơi xốp và giữ ẩm tốt.
  • Sử dụng chậu không đáy trong trường hợp trồng đất hoặc lọ thủy tinh trong trường hợp trồng thủy sinh.
  • Dao, kéo và các dụng cụ cần thiết cho việc trồng.

Để thuận tiện cho việc nhân giống trầu bà, mình đề xuất 2 cách phổ biến nhất, tùy vào sở thích hoặc điều kiện mà bạn lựa chọn cách nào cho phù hợp nhé:

Nhân giống trầu bà từ nhánh

Cách này là từ một cây trầu bà mẹ khỏe mạnh, cắt chia thành nhiều nhánh. Sau đó, chăm sóc để những nhánh đó tự phát triển thành cây mới.

Bước 1: Bước đầu cũng là bước quan trọng nhất trong cách nhân giống cây trầu bà từ nhánh.

Các bạn cần chọn và cắt một nhánh trầu bà khỏe mạnh ở lá và thân. Nên cắt ở đoạn giữa 2 mắt lá.

Bước 2: Để cho dễ giâm vào bình hơn thì tỉa bớt những lá gần đoạn cắt.

Bước 3: Đổ nước vào chậu hoặc lọ đã chuẩn bị trước. Tiếp đó giâm trực tiếp các nhánh trầu bà vừa cắt vào. Có thể ngâm ngay sau khi cắt, không cần đợi vết cắt khô.

Bước 4: Rễ sẽ bắt đầu mọc dài sau khoảng 7 -10 ngày. Khi đó, bạn có thể trồng ra loại đất đã giới thiệu ở trên.

Lưu ý:

  • Nếu trồng ra đất thì phải cẩn thận bởi vì rễ cây còn yếu nên rất dễ tổn thương.
  • Hoặc nếu không thì có thể trồng thủy sinh vẫn được bởi cây phát triển tốt ở cả 2 môi trường.

Nhân giống trầu bà từ mắt lá

Khác với cách trên là sử dụng thân cây, cách này chỉ cần dùng lá và mắt lá. So với cách trên thì nhân giống được số lượng lớn hơn; tuy nhiên thì cách chăm sóc giai đoạn đầu cũng khó khăn hơn chút.

Thực hiện chọn các nhánh trầu bà khỏe mạnh. Cách nhân giống cây trầu bà từ mắt lá khác ở trên là sẽ tạo ra nhiều cây từ 1 nhánh chứ không phải mỗi nhánh 1 cây.

Bước 1: Tiến hành cắt thành nhiều khúc nhỏ từ nhánh ban đầu, cứ mỗi mắt lá là 1 khúc.

Bước 2: Thực hiện kích thích ra rễ và nhánh mới bằng cách ngâm tất cả vào nước.

Bước 3: Khi đã ngâm được khoảng 1 đến 2 tuần thì các bạn có thể thấy rễ mới và chồi non đâm ra từ nách lá.

Lúc này bạn đã có thể mang ra trồng vào đất hoặc cứ tiếp tục trồng thủy sinh.

Ưu điểm của cách nhân giống cây trầu bà từ mắt cá này là bạn sẽ nhân ra được nhiều cây trầu bà hơn là cách nhân giống từ nhánh.

5. Lưu ý khi trồng cây trầu bà

Trong thân và lá trầu bà có chứa chất calcium oxalate. Đây là một loại chất độc có khả năng gây tiêu chảy, buồn nôn, bỏng rát niêm mạc miệng. Do đó, bạn cần cẩn thận trong quá trình trồng và chăm sóc cây trầu bà.

Nếu gia đình có trẻ nhỏ hay đang nuôi thú cưng thì không nên trồng; nếu trồng cũng phải đặt cây ở những nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em.

Nếu không may ăn phải, cần ngay lập tức đưa đến trung tâm y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

Các bạn có thể tham khảo về các dòng trầu bà lá xẻ Monsteria tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.