Không phải tất cả các loại cây cảnh trồng trong nhà đều yêu cầu cùng một cách chăm sóc, nhưng những quy tắc cơ bản sau đây có thể giúp bạn trồng cây trong nhà dễ dàng và có tỷ lệ thành công cao hơn.
1. Học cách nhận biết khi nào cây trồng trong nhà cần nước
Khi trồng cây, nhiều người thường sợ cây trồng thiếu nước và có tâm lý “thừa hơn thiếu”. Tuy nhiên, hầu hết cây trồng trong nhà đều sử dụng nước và thoát hơi nước ít hơn cây trồng ngoài trời, vì vậy, giữ cho đất trồng hơi khô sẽ tốt hơn là lúc nào cũng ẩm ướt.
Khi tưới cây, hãy luôn chú ý xem mình có tưới nước quá nhiều (thay vì lo lắng rằng liệu mình có tưới quá ít). Mục đích là cung cấp nước cho cây trồng vừa đủ, giữ cho đất ẩm nhưng thoáng. Nếu cây trồng bị úng nước, khả năng cao là rễ sẽ bị thối và không thể trao đổi chất vì thiếu oxy trong đất.
Hãy tưới nước từ từ theo chiều vòng tròn xung quanh chậu cây và dừng lại ngay khi thấy nước chảy ra đĩa lót chậu. Hầu hết các loại cây chỉ cần được tưới một hoặc hai lần mỗi tuần, và ít hơn vào những ngày trời lạnh hoặc mưa, khi trong không khí có nhiều hơi ẩm.
2. Lưu ý về nhiệt độ, độ ẩm và sự lưu thông của không khí
Hầu hết cây trồng trong nhà phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 15oC đến 25oC vào ban ngày và mát hơn khoảng 10oC vào ban đêm. Nói chung, khi trồng cây trong nhà, bạn cũng phải để ý cách tạo độ ẩm không khí tương tự như điều kiện phát triển tự nhiên của chúng.
Đối với các loại cây trồng trong nhà khác, hơi nước đọng lại trên lá quá lâu có thể gây hại, nên tránh xịt nước trực tiếp lên lá mà chỉ tưới nhẹ quanh gốc. Ngoài ra, nên đặt cây gần quạt hoặc cửa sổ, nơi thường xuyên có gió thổi để không khí được lưu thông, làm bay hơi ẩm dư thừa, ngăn bụi tích tụ trên lá và cân bằng nhiệt độ trong phòng.
3. Đảm bảo cây trồng trong nhà nhận được lượng ánh sáng thích hợp
Tất cả các loại cây đều cần ánh sáng để quang hợp, nhưng các loại cây khác nhau sẽ yêu cầu lượng ánh sáng khác nhau. Ngoại trừ xương rồng và sen đá, hầu hết các cây trồng trong nhà cần ánh sáng gián tiếp hơn là ánh sáng trực tiếp.
Việc lựa chọn nguồn sáng và cường độ ánh sáng rất quan trọng khi trồng cây trong nhà. Hãy đặt cây gần các cửa sổ hướng Tây hoặc đối diện với cửa sổ hướng Nam. Các loại cây sống được trong điều kiện đặc biệt râm mát nhưcây kim tiền, cây lưỡi hổ, cây trầu bà… có thể đặt ở cửa sổ hướng Bắc và hướng Đông.
4. Sử dụng loại đất phù hợp để trồng cây
Đất bầu chất lượng cao sẽ giúp rễ cây phát triển bằng cách cung cấp sự cân bằng lý tưởng về dinh dưỡng, độ thoáng khí và khả năng hút nước. Hỗn hợp đất trồng trong chậu thường bao gồm rêu than bùn, gỗ vụn/mùn cưa, đá trân châu perlite và đá vermiculite.
Các cửa hàng vật tư nông nghiệp có bán các loại đất bầu trộn sẵn, nhưng bất cứ khi nào có thể, bạn nên chọn loại đất trồng riêng cho cây nhà mình. Ví dụ, hoa lan và cây dứa cảnh cần đất thoát nước nhanh, nhưng cây xương rồng phát triển tốt nhất ở đất cát, xốp. Bạn cũng có thể thay các loại đá bằng vỏ trấu hoặc xơ dừa để tạo sự thoáng khí cho đất mà vẫn giữ được độ ẩm.
5. Chọn chậu phù hợp với cây trồng
Khi chọn chậu trồng cây, hãy xem xét kỹ lưỡng chất liệu, kích thước và khả năng thoát nước của nó. Nên chọn chậu có kích thước tỷ lệ thuận với kích thước hiện tại của cây – đường kính không rộng hơn 10 cm so với bộ rễ của cây.
Khi cây phát triển và lớn hơn, bạn có thể chuyển cây vào một chậu lớn hơn. Thay vào đó, nếu bạn bắt đầu trồng cây trong chậu lớn quá mức cần thiết, rễ của nó sẽ không thể hút ẩm đủ nhanh vì nước thoát hết qua đất.
Chậu nhựa có trọng lượng nhẹ, rất lý tưởng để sử dụng trong giỏ treo hoặc trên kệ treo tường. Chậu đất nung nặng hơn và kết cấu xốp của nó sẽ không giữ nước tốt như chậu nhựa, thích hợp với các loại cây ít phải tưới nước. Hãy luôn đảm bảo chậu cây có lỗ thoát nước ở đáy.
6. Sử dụng phân bón để cung cấp chất dinh dưỡng
Để cây trong nhà phát triển bền vững, khỏe mạnh, hãy thường xuyên bổ sung chất dinh dưỡng trong bầu đất. Tốt nhất là bón phân cho cây trồng mỗi tháng một lần khi chúng đang phát triển hoặc ra hoa. Tuy nhiên, đây chỉ là quy tắc chung, các loại cây khác nhau có thể yêu cầu lịch bón phân riêng hoặc cần loại phân cụ thể.
Lượng phân bón quá nhiều có thể khiến chồi cây mọc yếu ớt và cần phải loại bỏ, đồng thời để lại các vảy cứng màu trắng trên mặt đất và các vết cháy trên lá cây. Cây được bón phân quá ít sẽ ngừng phát triển và bắt đầu thoái hóa và rụng lá. Việc sử dụng phân bón không thích hợp (như phân bón có nồng độ nitơ cao) cho cây đang ra hoa sẽ dẫn đến tình trạng cây ngừng ra hoa hoặc không tươi tốt.
Có 3 loại dinh dưỡng đa lượng chính gồm:
– Nitơ (N): kích thích sự phát triển của lá cây.
– Photpho (P): tốt cho sự phát triển của rễ, hoa, quả và hạt.
– Kali (K): kích thích sự phát triển của thân cây, hoa và quả cũng như sự vận chuyển của nước.
Khi mua phân bón, hãy tìm các chất dinh dưỡng đa lượng dưới dạng các con số và gạch nối (chẳng hạn như 10-10-10 hoặc 16-4-8), luôn luôn theo thứ tự NPK. Nói chung, cây trồng lấy lá cần nhiều nitơ trong đất, cây cho hoa cần nhiều kali và photpho hơn. Ngoài ra, có nhiều loại phân bón dành cho từng nhóm cây đặc thù.
7. Phòng bệnh cho cây cảnh trong nhà
Nếu cây có biểu hiện của sâu bệnh như phấn trắng, bạn nên dùng cồn để lau sạch lá và gốc sau đó mới sử dụng các loại thuốc hữu cơ để trừ sâu bệnh. Nếu mức độ bệnh nghiêm trọng thì cần phải để cây ra ngoài rồi trị bệnh cho cây.
Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu cho cây cảnh khi để trong nhà để đảm bảo sức khỏe của bạn.
8. Thường xuyên cắt tỉa, vệ sinh cây cảnh trong nhà
Khi chăm sóc cây trồng trong nhà cần lưu ý cắt tỉa cây thường xuyên. Xén bớt rễ để rễ không phát triển vượt trội so với chậu làm nứt vỡ chậu. Tỉa lá, cành rậm rạp hoặc héo giúp cây được sạch sẽ, thanh thoát và tránh được lũ sâu bọ côn trùng trú ngụ. Cắt bớt phần cành già cũng giúp thúc đẩy sự phát triển của cây.
Song song với việc cắt tỉa là hãy chú ý dùng vải mềm lau sạch lá bám bụi bẩn (bởi cây lọc không khí) để cây luôn tươi xanh và phát triển tốt hơn. Nhớ mang bao tay khi bón phân, tỉa lá hoặc lau lá bạn nhé!
9. Thay chậu cho cây cảnh trong nhà hàng năm
Thay chậu cho cây hàng năm cũng là cách chăm sóc cây cảnh trong nhà mà bạn nên lưu ý. Cây được trồng lại bởi cây đã quá to so với chậu, bạn nên trồng lại cây ít nhất 1 lần/năm. Thời điểm thích hợp để trồng lại cây đó là mùa xuân.
Khi đưa cây ra khỏi chậu, lắc mạnh để đất cũ rơi khỏi rễ. Nếu bầu rễ quá chặt và không thể nhấc lên được, sử dụng một con dao lớn để lách vào phần đất sát thành chậu và dưới đáy chậu. Sau khi nhấc cây ra, hãy thêm đất mới vào đáy chậu. Đặt cây trở lại và thêm đất mới xung quanh chậu.
Mỗi loại cây phù hợp với từng loại đất khác nhau, vì vậy bạn nên lưu ý tìm hiểu trước khi sang chậu cho cây nhé.
Bây giờ, việc biến không gian sống trở thành thiên đường có lẽ là niềm mong mỏi của rất nhiều người, bắt đầu bằng việc đơn giản nhất là trang hoàng thêm nhiều cây xanh. Tuy nhiên, bất cứ ai từng thử trồng cây cảnh trong nhà hẳn đều đã trải qua cảm giác bất lực khi chứng kiến chậu cây yêu dấu héo dần héo mòn. Kể cả người “mát tay” nhất cũng phải “kinh qua đau thương” nhiều lần mới rút được kinh nghiệm. Thế nên, đừng tuyệt vọng nếu bạn không thành công ngay lần đầu tiên.
Bài viết liên quan: